Hướng dẫn tính mật độ xây dựng nhà ở chuẩn nhất
Đối với những người đã từng phải làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng thì có lẻ sẽ rất quen với cụm từ “Mật độ xây dựng” bởi vì đây là một yếu tố phải được thể hiện rõ ràng , cụ thể trong hồ sơ. Vậy mật độ xây dựng là gì? Và cách tính mật độ ra sao? Hay là có những quy định cụ thể nào về mật độ? Nếu bạn có cùng thắc mắc chúng ta cùng nhau tìm hiểu ở bài viết ngay sau đây.
Mật độ xây dựng là gì
Theo Quy định của Bộ Xây Dựng Việt Nam ban hành: Bất kỳ một công trình, dự án nào muốn xây đựng đều phải dựa trên Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.
Theo quyết định số 04/2008/QĐ/BXD của Bộ xây dựng quy định về mật độ xây dựng như sau : mật độ xây dựng được chia làm hai loại, đó là mật độ xây dựng gộp và mật độ xây dựng thuần.
+ Mật độ xây dựng gộp (brut – tô) là tỷ lệ diện tích đất của các công trình kiến trúc trên tổng diện tích toàn bộ khu đất (diện tích toàn khu đất còn bao gồm có cả sân đường, các khu cây xanh, không gian mở và đất bỏ trống).
+ Mật độ xây dựng thuần ( net – tô) là tỷ lệ đất các công trình kiến trúc xây dựng ( kể cả sân thể thao ngoài trời chiếm khối tích không gian trên mặt đất: sân thể thao và sân ten nit đã được xây cố định)trên tổng diện tích lô đất ( nhưng không được tính diện tích các tiểu cảnh trang trí, bể bơi…)
Mật độ xây dựng tối đa được tính như thế nào
Mật độ xây dựng gộp (brut – tô)
Mật độ xây dựng gộp tối đa được cho phép như sau:
+ Đối với đơn vị nhà ở sẽ là 60%
+ Đối với các khu du lịch – nghỉ dưỡng tổng hợp ( các khu resort) sẽ là 25%
+ Đối với các khu công viên công cộng sẽ là 5%
+ Đối với các khu cây xanh chuyên dụng ( bao gồm cả sân golf), vùng vảo vệ môi trường tự nhiên được quy định tùy theo chức năng và những quy định về pháp lý có liên quan nhưng đảm bảo không vượt quá mức 5%
+ Đối với toàn khu công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sẽ là 50%
Mật độ xây dựng thuần tối đa cho phép
Mật độ xây dựng thuần tối đa được cho phép như sau:
+ Đối với các ô đất xây dựng nhà ở riêng lẻ như biệt thự, nhà cấp 4, nhà phố nhà vườn, nhà liên kế … được tính dựa vào diện tích lô nhà (m2/căn), và cụ thể như sau:
diện tích lô nhà (m2/căn) – Mật độ xây dựng thuần tối đa (%)
≤50 (m2/căn) 100%
75 (m2/căn) 90%
100 (m2/căn) 80%
200 (m2/căn) 70%
300 (m2/căn) 60%
500 (m2/căn) 50%
≥1000 (m2/căn) 40%
+ Mật độ xây dựng thuần cho công trình giáo dục, văn hóa, y tế, chợ… trong khu vực xây dựng mới là 40%.
+ Mật độ xây dựng thuần các công trình dịch vụ đô thị, và các công trình có chức năng hỗn hợp có cách tính mật độ xây dựng chuẩn theo sở xây dựng có công thức như sau :
Mật độ xây dựng (%) = Diện tích chiếm đất của công trình kiến trúc (m2) / Tổng diện tích lô đất xây dựng (m2) x 100%
Những quy định về mật độ xây dựng được áp dụng riêng với nhà phố hiện nay
Kích thước, diện tích lô đất quy hoạch xây dựng nhà phố
+ Được xác định cụ thể theo nhu cầu và đối tượng sử dụng, nó phù hợp với các giải pháp tổ chức không gian,đồng thời được quản lý theo quy định về quản lý xây dựng của khu vực lập quy hoạch.
+ Khi xây dựng nhà ở trong các Lô đất trong khu quy hoạch xây dựng mới, khi tiếp giáp với đường phố có lộ giới >20m, phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về kích thước tối thiểu sau:
- Diện tích của lô đất xây dựng nhà ở gia đình phải > = 45m2
- Bề rộng của lô đất xây dựng nhà ở >=5m
- Chiều dài (sâu) của lô đất xây dựng nhà ở phải >= 5m
+ Khi xây dựng nhà ở trong các lô đất ở quy hoạch xây dựng mới, khi tiếp giáp với đường lộ giới <20m, phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về kích thước tối thiểu sau:
- + Diện tích của lô đất xây dựng nhà ở gia đình phải >= 36 m2
- + Bề rộng của lô đất xây dựng nhà ở >= 4m
- + Chiều dài (sâu) của lô đất xây dựng nhà ở >=4m
Công trình không được vi phạm ranh giới với các công trình bên cạnh
+ Công trình phải đảm bảo không bộ phận nào của ngôi nhà kể cả những thiết bị như đường ống, phần ngầm dưới đất (móng, đường ống) được vượt quá ranh giới với lô đất bên cạnh.
+ Không được xả nước mua, nước thải các loại, các khí bụi hoặc khí thải sang nhà bên cạnh
Trước khi tiến hành thi công bất kỳ công trình nào, bạn cũng cần phải tiến hành xin giấy cấp phép xây dựng, với những thủ tục pháp lý cơ bản và tuân thủ theo đúng quy định. Việc xác định mật độ xây dựng công trình cũng là yếu tố cơ bản để hoàn thiện hồ sơ. Hy vọng những chia sẻ của chúng tôi trên đây giúp các bạn cũng như quý khách hàng đã có thể hiểu được những thông số cơ bản để có kế hoạch thi công một cách khoa học và chính xác nhất.